Đóng cửa sổ tư vấn [X]
Trang tin điện tử Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Nam

Vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác kiểm soát quyền lực cán bộ

Thứ năm - 06/08/2020 14:03

Vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác kiểm soát quyền lực cán bộ

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng tới việc xây dựng đội ngũ cán bộ. Tư tưởng của Người về công tác cán bộ là hệ thống những vấn đề trọng yếu, cấp thiết đối với mọi đảng cầm quyền, trong đó nổi bật lên vấn đề kiểm soát quyền lực cán bộ. Việc nhận diện những căn bệnh trong sự tha hóa quyền lực để đi đến có phương pháp kiểm soát, ngăn chặn, bài trừ sự tha hóa quyền lực là một trong những điều kiện tiên quyết để củng cố và phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước ta trong thời kỳ mới.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,
tổ chức tại Hà Nội, tháng 9/1955. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)   

1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác kiểm soát quyền lực cán bộ

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ là một hệ thống lý luận khoa học sâu sắc, là kết tinh truyền thống dùng người của ông cha ta trong lịch sử. Ngày nay, tư tưởng đó đã trở thành những bài học, những nguyên tắc trong công tác cán bộ của Đảng.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Người nhấn mạnh, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; quyền lực người dân trao là để bảo đảm thực thi quyền lợi của nhân dân, nhằm xây dựng Đảng liêm chính, Nhà nước của dân, do dân, vì dân.

Trước đòi hỏi của sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, để giữ vững địa vị cầm quyền, khẳng định năng lực lãnh đạo, xây dựng các giá trị của đảng cầm quyền thông qua đội ngũ cán bộ, đảng viên, để bảo vệ thành quả của Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm vấn đề kiểm soát quyền lực khi trao cho cán bộ, đảng viên của Đảng. Người chỉ rõ: “Cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư”. Quyền lực này là do Đảng hoặc Chính phủ, đoàn thể “ủy cho họ quyền lãnh đạo” mà có. Xét cho cùng, quyền lực đó cũng đều do nhân dân “ủy thác”; “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân, chứ không phải đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật” (1).

Trong điều kiện đảng cầm quyền, Hồ Chí Minh nhận thấy, một bộ phận cán bộ, đảng viên không giữ được phẩm chất, bản lĩnh và ý chí dẫn đến lợi dụng chức quyền để trục lợi, lạm quyền, lộng quyền, suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống cùng những tiêu cực khác. Người đã nghiêm khắc phê phán những cán bộ vừa mới nắm giữ chức quyền đã vác mặt quan cách mạng. Người không chỉ bắt đúng bệnh, đưa ra đúng phác đồ điều trị, mà còn kê các phương thuốc đặc trị chứng bệnh suy thoái, tha hóa quyền lực của cán bộ, đảng viên có chức có quyền.

2. Quan điểm của Đảng ta về công tác kiểm soát quyền lực cán bộ

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ luôn được Đảng ta quán triệt, vận dụng trong quá trình lãnh đạo. Kể từ khi ra đời đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện đã không ngừng quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ để đáp ứng yều cầu của từng giai đoạn cách mạng. Đảng ta xác định: “Có một đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất và năng lực xây dựng đường lối chính trị đúng đắn và tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối, đó là vấn đề cốt tử của lãnh đạo, là sinh mệnh của Đảng cầm quyền”(2); “Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; công tác cán bộ là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị”(3); “Xây dựng đội ngũ cán bộ phải xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới”(4).

Đánh giá thực trạng công tác cán bộ hiện nay, bên cạnh những thành tựu to lớn, Đảng ta cũng thẳng thắn thừa nhận: “Việc sắp xếp, bố trí, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử vẫn còn tình trạng đúng quy trình nhưng chưa đúng người, đúng việc. Tình trạng bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, trong đó có cả người nhà, người thân, họ hàng, "cánh hẩu" xảy ra ở một số nơi, gây bức xúc trong dư luận xã hội… Việc kiểm tra, giám sát thiếu chủ động, chưa thường xuyên, còn nặng về kiểm tra, xử lý vi phạm, thiếu giải pháp hiệu quả để phòng ngừa, ngăn chặn sai phạm”(5).

Trước tình hình đó, Nghị quyết của Đảng có riêng một mục chỉ đạo về nội dung “Kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ; chống chạy chức, chạy quyền”. Đây được coi là bước đột phá sâu sắc về công tác cán bộ mà từ trước tới nay, Đảng ta chưa bao giờ đề cập đến trong bất kỳ nghị quyết nào. Nguyên tắc đặt ra là “Xây dựng, hoàn thiện thể chế để kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền hạn phải được ràng buộc bằng trách nhiệm”(6).

Quan điểm chung của Đảng ta trong công tác cán bộ là: “Chuẩn hoá, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với xây dựng thể chế, tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy đổi mới, phát huy sáng tạo và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Phân công, phân cấp gắn với giao quyền, ràng buộc trách nhiệm, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và xử lý nghiêm minh sai phạm”(7).

“Quán triệt nguyên tắc về quan hệ giữa đường lối chính trị và đường lối cán bộ; quan điểm giai cấp và chính sách đại đoàn kết rộng rãi trong công tác cán bộ. Xử lý hài hòa, hợp lý mối quan hệ giữa tiêu chuẩn và cơ cấu, trong đó tiêu chuẩn là chính; giữa xây và chống, trong đó xây là nhiệm vụ chiến lược, cơ bản, lâu dài, chống là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên; giữa đức và tài, trong đó đức là gốc; giữa tính phổ biến và đặc thù; giữa kế thừa, đổi mới và ổn định, phát triển; giữa thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân và tập thể”(8).

Trong thời thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội: tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, nhưng thực ra nhân dân chỉ trực tiếp thực hiện một số quyền lực nhất định như quyền ứng cử, bầu cử, thực hiện các quyền sống, quyền tự do, dân chủ, quyền học hành, đi lại…, còn những quyền chung như: quyền huy động, phân bổ mọi nguồn lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; quyền quản lý, điều hành xã hội; quyền quản lý, phát triển kinh tế, văn hóa; quyền quản lý, điều hành thống nhất sự nghiệp an ninh, quốc phòng… thì nhân dân trao cho các cơ quan, tổ chức do nhân dân lập lên, bầu lên, thậm chí nhân dân trao quyền cho một nhóm hay một cá nhân đại diện thực hiện. Các tổ chức, các nhóm người, các cá nhân được nhân dân trao quyền lực mà thực hiện đúng, thực hiện tốt thì đem lại nhiều lợi ích cho nhân dân, cho đất nước. Nhưng khi quyền lực của tổ chức, của nhóm người, thậm chí của một người, đã được nhân dân trao cho rồi thì rất dễ bị tha hóa. Tổ chức, nhóm người hay cá nhân khi được nhân dân trao quyền, đã không thực hiện đúng quyền lực được trao (một cách có chủ ý) dẫn đến tha hóa quyền lực. Xã hội càng văn minh thì sự tha hóa quyền lực càng tinh vi. Quyền lực bị tha hóa mà không bị kiểm soát, đẩy lùi thì sẽ gây nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội, cho nhân dân. Trao quyền lực, thực thi quyền lực cũng đồng thời với việc phải kiểm soát quyền lực.

Nguyên nhân sâu xa của sự tha hóa quyền lực là chủ nghĩa cá nhân hay “nhóm lợi ích”. Khi ấy bộ máy tổ chức, một nhóm người hay một cá nhân là do nhân dân bầu ra, bổ nhiệm để trao quyền lực, ủy quyền thực hiện chức trách, nhiệm vụ vì lợi ích chung, vì lợi ích của nhân dân nhưng lại tách rời khỏi xã hội, tách rời khỏi nhân dân, đứng trên xã hội, đứng trên nhân dân, biến quyền lực nhân dân trao thành quyền lực của mình.

3. Một số kiến nghị và giải pháp

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta là một đảng rất to lớn, bao gồm đủ các tầng lớp trong xã hội, do đó không tránh khỏi những tập tục, những tính nết, những khuyết điểm, nhưng không vì thế mà kinh sợ. Ta đã thấy rõ những bệnh ấy thì ta tìm được cách chữa. Như vậy, đối với Người, nhận diện đúng những biểu hiện tha hóa quyền lực và nguyên nhân dẫn tới tình trạng đó là một bước quan trọng để tìm ra những phương cách hữu hiệu trong kiểm soát quyền lực và phòng, chống tha hóa quyền lực.

Thứ nhất, xây dựng, hoàn thiện cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực của cán bộ.

Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và nhanh chóng hiện thực hóa các chủ trương, chính sách về kiểm soát quyền lực để “nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế, luật pháp”. Tránh sự chồng chéo của các cơ chế, chính sách, quy định về kiểm soát quyền lực.

Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đã chủ trương: “Tiếp tục hoàn thiện đồng bộ thể chế, phương pháp, quy trình siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng… Kết hợp chặt chẽ và nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với thanh tra, kiểm toán nhà nước và điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan bảo vệ pháp luật” (9).

Thứ hai, tăng cường tính độc lập và hiệu quả của công tác kiểm tra, giám sát.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng, V.I. Lênin và Chủ tịch Hồ Chí Minh đều nhất trí rằng: “Kiểm tra nhân viên công tác và kiểm tra việc chấp hành thực tế công tác - mấu chốt của toàn bộ công tác, của toàn bộ chính sách hiện nay là ở đấy, vẫn ở đấy và chỉ có ở đấy”(10).

“Nếu tổ chức việc kiểm tra cho chu đáo thì cũng như ngọn đèn pha. Bao nhiêu tình hình, bao nhiêu ưu điểm và khuyết điểm, bao nhiêu cán bộ chúng ta đều thấy rõ”. Cơ chế kiểm tra, giám sát công tác cán bộ cần phải được xây dựng và triển khai một cách khoa học, tránh gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là sự độc lập trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan này đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong công tác phòng, chống bệnh quan liêu, nạn tham ô, lãng phí cũng như các hành vi vi phạm khác trong hoạt động quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước, trong thực thi công vụ của cán bộ, viên chức Nhà nước.

Như vậy, việc xây dựng cơ chế độc lập của tất cả các tổ chức kiểm tra, giám sát phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm, là một trong những thước đo hiệu quả cũng như tính khách quan của công việc.

Kết hợp việc kiểm tra bên ngoài và bên trong. Phương pháp kiểm soát quyền lực cán bộ từ bên ngoài được thể hiện ở việc nhân dân trực tiếp hoặc gián tiếp kiểm soát thông qua các hình thức như bầu cử, phê bình…; thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đặc biệt là qua các phương tiện truyền thông, báo chí. Phương pháp kiểm soát quyền lực cán bộ từ bên trong là việc tạo cơ chế, chính sách để nội bộ các tổ chức chính trị - xã hội trong cùng một cơ sở kiểm soát lẫn nhau.

Thứ ba, phát huy dân chủ rộng rãi và thực chất.

Kiểm soát quyền lực thông qua việc thực thi thực chất, đầy đủ và rộng rãi quyền làm chủ của nhân dân; thực hiện đúng phương châm: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát và dân thụ hưởng”.

Thứ tư, quy định rõ trách nhiệm của cán bộ trong thực thi công vụ.

Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đã chủ trương: “Tiếp tục hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ, nhất là đối với người đứng đầu… Xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên vi phạm, kể cả khi đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu”, “Quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong kiểm tra, phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí” (11). Việc quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong thực thi công vụ, đặc biệt là việc lần đầu tiên nhấn mạnh trách nhiệm của cán bộ ngay cả khi đã nghỉ hưu hay chuyển công tác là một trong những điểm mới đột phá để hạn chế sai phạm của cán bộ. Tuy vậy, cần nhanh chóng hiện thực hóa các chủ trương này vào đời sống kinh tế - xã hội.

Thứ năm, khuyến khích và nâng cao tính phản biện xã hội.

Tăng cường tính độc lập tương đối cũng như thiết lập cơ chế phản biện giữa các cơ quan lãnh đạo các cấp để bảo đảm sự kiểm soát quyền lực được tiến hành đa chiều, ngay từ trong chính nội bộ của cơ quan công quyền. Việc nâng cao tinh thần tự phê bình và phê bình cũng là một công cụ hữu hiệu trong công tác kiểm soát quyền lực cán bộ.

Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng, ngày 25/6/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Kiểm soát quyền lực phải trên cơ sở kết hợp giữa xây và chống, lấy xây là chính, chống phải kiên quyết, nghiêm minh và lấy chống để xây. Kiểm soát quyền lực không có “vùng cấm”, không loại trừ bất cứ đối tượng nào, ở bất kỳ cấp nào, giữ bất kỳ cương vị nào.

Trước thềm Đại hội XIII của Đảng, công tác cán bộ đang là một trong những nội dung được nhìn nhận là “then chốt của then chốt” cho sự thành bại của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Xã hội chủ nghĩa.

Nguồn tin: hochiminh.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Điều hành - Liên kết
 
thu vien so
 
trung bay
qoffice
 
logobantin copy
logokn
images
bhxhso1 iesl
banner 1
banner final 17082022 1
 
tinh nguyen 1 1024x235
  • Liên kết

mtssssssss
Văn bản

19-QĐ/TĐTN-TCKT

V/v ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Thường trực Tỉnh đoàn Quảng Nam khoá XIX, nhiệm kỳ 2022-2027

Lượt xem:2947 | lượt tải:731

Nghị quyết

Nghị quyết Đại hội

Lượt xem:2159 | lượt tải:740

41/KHLT-BHXH-TĐ

Phối hợp tuyên truyền chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hôi, bảo hiểm y tế trong ĐVTN năm 2021

Lượt xem:2449 | lượt tải:658

1159-CV/TĐTN- BPT

V/v giới thiệu cá nhân tiêu biểu tham gia giải thưởng “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc lần thứ XII năm 2021

Lượt xem:3388 | lượt tải:166

251 -KH/TĐTN-BTG

Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2021

Lượt xem:2824 | lượt tải:771
© Copyright 2008 thuộc về BTV Tỉnh đoàn Quảng Nam
Địa chỉ: 191 Huỳnh Thúc Kháng, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, Điện thoại / Fax: 02353859223
Tin bài cộng tác viên vui lòng gởi về Ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn Quảng Nam
Điện thoại: 02353.812.436 | Email: banbientaptinhdoanquangnam@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây