Tình cảm và mong muốn thiết tha của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội
Thủ đô Hà Nội vinh dự là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh có thời gian sống, làm việc lâu nhất trong cuộc đời; nơi Người cùng tập thể lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước chỉ đạo sự nghiệp cách mạng của cả nước, tiếp xúc với bạn bè quốc tế, đón tiếp đồng bào và chiến sĩ cả nước; nơi yên nghỉ của Người trong niềm tiếc thương vô hạn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta và bạn bè quốc tế.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm, chăm lo cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của Thủ đô Hà Nội; dành cho đồng bào, chiến sĩ Thủ đô Hà Nội những tình cảm thân thương nhất. Trên các nẻo đường của thành phố, nội thành, cũng như các huyện ngoại thành đều in đậm dấu chân Người. Người đã gửi thư ân cần thăm hỏi học sinh, thiếu nhi và các bậc phụ lão; căn dặn công chức, bộ đội, công an vào tiếp quản Thủ đô Hà Nội phải ứng xử với nhân dân đúng bản chất những người cách mạng, vì nước, vì dân... Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm, kiểm tra công việc, động viên, khích lệ phong trào ở nhiều nhà máy, xí nghiệp, đơn vị, trường học, bệnh viện và thôn, xã; đến dự, nói chuyện rất chân tình, cởi mở tại nhiều hội nghị đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể ở Thủ đô Hà Nội. Người khuyên Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội từ những việc lớn, như rèn luyện nâng cao vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ thành phố Hà Nội trở thành kiểu mẫu, làm đầu tàu cho cả nước, đến những việc cụ thể hằng ngày với tấm lòng nhân ái, bao dung, độ lượng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh xem mô hình quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội. Người căn dặn: “Trong thiết kế phải đồng bộ đường sá, hệ thống thoát nước, lưới điện… tránh cản trở sự đi lại của nhân dân. Phải có quy hoạch trước, tránh làm rồi lại phá đi” (16/11/1959). Ảnh tư liệu
Trong bài phát biểu tại Hội nghị sơ kết cuộc vận động xây dựng đảng bộ, chi bộ “bốn tốt” khu vực ngoại thành của thành phố Hà Nội vào ngày 18/12/1964, Người chỉ rõ: “Các đảng bộ, chi bộ ở ngoại thành cần lãnh đạo đưa phong trào tiến lên mạnh mẽ hơn nữa, làm cho ngoại thành thật sự trở thành một vòng đai đỏ của Thủ đô xã hội chủ nghĩa”(2). Người xác định, vinh dự, tự hào và trách nhiệm to lớn của Thủ đô Hà Nội là đầu tàu, gương mẫu: “Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự, an ninh, làm cho Thủ đô ta thành một Thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”(3); Người chỉ ra những nhiệm vụ quan trọng của thành phố Hà Nội là phải “giữ gìn trật tự, an ninh”, “ổn định sinh hoạt”, “vệ sinh sạch sẽ”, “phòng bệnh”. Người căn dặn mọi người dân của Thủ đô Hà Nội phải đoàn kết, tăng năng suất công tác, phải học tập, giữ vững và phát triển thuần phong mỹ tục. Những tư tưởng, tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấm đượm sâu sắc vào suy nghĩ và việc làm của các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân thành phố Hà Nội, tạo nên những phong trào cách mạng sâu rộng trong chiến đấu, xây dựng và bảo vệ Thủ đô Hà Nội, để xây dựng thành phố Hà Nội ngày càng “đẹp đẽ, đàng hoàng hơn”, thực hiện mục tiêu “xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại” mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 của Đảng bộ thành phố Hà Nội đã xác định.
Tại các kỳ hội nghị của Đảng bộ thành phố Hà Nội, các đại hội đại biểu nhân dân của thành phố Hà Nội..., Người rất chú ý tới vấn đề xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội vững mạnh toàn diện, mà trước hết là phát triển Đảng và xây dựng hệ thống chính trị: “Hà Nội cần phải củng cố và phát triển Đảng, Đoàn Thanh niên Lao động và Công đoàn. Đảng bộ Hà Nội cần phải phát triển thêm thành phần công nhân, nông dân, lao động trí óc và phụ nữ vào Đảng”(4). Đối với tầng lớp trí thức, cán bộ, công chức, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi phải thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, vì ở Thủ đô Hà Nội có nhiều công sở, nhà máy, trường học, nên việc tiết kiệm của đội ngũ cán bộ, công chức từ mẩu giấy, ngòi bút đến những vật dụng lớn hơn cũng có tác dụng không nhỏ trong giảm bớt đóng góp công sức cho người dân. Người dạy: “Một người như thế, trăm người như thế, vạn người như thế, công quỹ đã bớt được một số tiền đáng kể, lấy ở mồ hôi nước mắt dân nghèo mà ra”(5).
Từ khi giữ cương vị Chủ tịch nước, Người có 73 bài viết về Thủ đô Hà Nội, về nhân dân thành phố Hà Nội... Người thường xuyên gửi thư tới các cụ phụ lão, chị em phụ nữ, tới nông dân, công nhân, trí thức..., trong đó, Người đặc biệt quan tâm tới tầng lớp thanh niên, thiếu niên, nhi đồng của Thủ đô Hà Nội. Người đã có 10 lá thư, bài viết, bài phát biểu về thanh niên, thiếu niên, sinh viên của Thủ đô Hà Nội. Trong thư, Người luôn dành tình cảm thiết tha, trìu mến và đặt trọn niềm tin vào thế hệ trẻ của Thủ đô Hà Nội. Người luôn khuyên nhủ thanh niên, thiếu niên của Thủ đô Hà Nội phải đoàn kết, thân ái và chăm chỉ học tập, phát huy sáng kiến để thanh niên, thiếu niên trong cả nước học tập. Người nói: “thanh niên Thủ đô phải làm gương mẫu cho thanh niên cả nước. Vì vậy, Trung ương Đoàn cần phải tăng cường hơn nữa việc giáo dục tinh thần yêu nước, giác ngộ giai cấp và đạo đức cách mạng cho đoàn viên và thanh niên”(6).
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại thời gian qua
Hiện nay, thành phố Hà Nội có trên 5.922 di tích (trong đó có 1 di sản thế giới, 1 di sản tư liệu thế giới, 17 di tích quốc gia đặc biệt, 1.182 di tích cấp quốc gia, 1.202 di tích cấp thành phố và 3.487 di tích chưa được xếp hạng...)(7). Nhiều công trình mới được xây dựng, bổ sung vào di sản của cha ông để lại, như con đường gốm sứ ven sông Hồng, Thư viện Hà Nội, Bảo tàng Hà Nội, Công viên Hòa Bình, Cung trí thức..., nhiều tuyến phố cổ, làng cổ, làng nghề truyền thống được đầu tư, chỉnh trang, bảo tồn, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị, như tổ chức phố đi bộ khu vực trung tâm Thủ đô Hà Nội xung quanh hồ Hoàn Kiếm, di tích làng cổ Đường Lâm - thị xã Sơn Tây, dự án tu bổ 50 ngôi nhà cổ, dự án tu bổ, tôn tạo đền và lăng Ngô Quyền, đình Cam Thịnh, các di tích giếng cổ...; phát huy giá trị kinh tế - văn hóa của các sản phẩm làng nghề nổi tiếng, như gốm sứ Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, khảm trai Chuyên Mỹ, nón làng Chuông, gỗ mỹ nghệ Đông Anh, vàng bạc, đá quý Hàng Bạc... Hệ thống bảo tàng chuyên ngành, bảo tàng tư nhân, các phòng truyền thống, các bộ sưu tập đều được điều tra, lập hồ sơ đưa vào định hướng bảo tồn, phát huy giá trị trước mắt và lâu dài.
Đối với di sản văn hóa phi vật thể: Thành phố Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước tiến hành tổng kiểm kê, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Tổng số di sản văn hóa phi vật thể của thành phố Hà Nội đã kiểm kê được là 1.793 di sản, toàn bộ đã được cập nhật vào phần mềm hệ thống thông tin quản lý di sản văn hóa phi vật thể của Trung ương. Có 18 di sản được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; trong đó, có Lễ hội Gióng ở đền Phù Đổng, đền Sóc, nghi lễ và trò chơi Kéo co, nghệ thuật Hát Ca trù đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Thành phố Hà Nội chủ động tiến hành triển khai thực hiện các chương trình bảo tồn và phát huy các di sản đang có nguy cơ bị mai một, như Lễ hội Gióng, nghệ thuật Hát trống quân, Hát Dô, Hát Chèo Tàu, Hát và múa Ải lao, Tri thức trồng thuốc nam của người Dao, Tiếng Lóng Đa Chất, Hát ví, Múa cồng chiêng của người Mường... Sinh hoạt lễ hội mang đậm nét văn hóa đặc trưng của văn hóa Thăng Long đã trở nên phổ biến trong đời sống, phản ánh khá đa dạng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tâm linh của đông đảo các tầng lớp cư dân của Thủ đô Hà Nội(8).
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Giữ vững và phát triển thuần phong mỹ tục làm cho Thủ đô ta ngày thêm tươi đẹp phồn thịnh và trở nên một thành phố gương mẫu cho cả nước”(9), nghĩa là trong gia đình, thực hiện đời sống mới về tinh thần thì trên thuận, dưới hòa, bình đẳng, tôn trọng, tin cậy lẫn nhau; về vật chất từ ăn, mặc, đến việc làm đều phải có kế hoạch, ngăn nắp; cưới, hỏi, giỗ, tết nên đơn giản tiết kiệm...
Hòa chung niềm phấn khởi đón chào xuân mới cùng đông đảo các tầng lớp nhân dân Thủ đô, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ân cần thăm hỏi, chúc tết, mừng tuổi các cụ cao tuổi, các cháu bé đang cùng gia đình tề tựu quanh Hồ Gươm chờ đón giao thừa (năm 2018). Nguồn: TTXVN
Những năm qua, công cuộc xây dựng môi trường văn hóa của Thủ đô Hà Nội ngày càng đi vào thực chất, nhằm khơi dậy, giữ vững và phát huy những giá trị tốt đẹp, tiêu biểu của dân tộc, của vùng đất kinh kỳ Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến. Thực hiện Chương trình “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Thủ đô Hà Nội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”..., góp phần xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, nhất là trong việc cưới, việc tang, tổ chức lễ hội có chuyển biến tốt. Tỷ lệ hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” hằng năm đạt trên 85%, 60,5% thôn, làng đạt danh hiệu “Làng văn hóa”, 71% tổ dân phố đạt danh hiệu “Tổ dân phố văn hóa”; tỷ lệ các gia đình tổ chức hỏa táng cho người thân khi mất đạt 60,85%. Trong xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp, đến hết năm 2018, thành phố Hà Nội đã hoàn thành dự án trồng một triệu cây xanh và tiếp tục dự án trồng 600 nghìn cây xanh năm 2019...
Trong lĩnh vực văn học - nghệ thuật, thành phố Hà Nội luôn chú trọng, quan tâm, đầu tư cho những chương trình nghệ thuật tiêu biểu của Thủ đô và phục vụ công tác đối ngoại. Từ năm 2015, thành phố đã hoàn thành đề án hệ thống cơ chế, chính sách cho đội ngũ cán bộ văn hóa ở cơ sở, nghệ sỹ và vận động viên; tăng cường, đầu tư và thực hiện chính sách ưu tiên đối với những người hoạt động trong lĩnh vực đặc thù này; đồng thời, đặc biệt nâng cao điều kiện hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật cho các tầng lớp nhân dân, chú ý đến đối tượng thanh niên, thiếu niên của Thủ đô. Khuyến khích và tạo điều kiện phát triển mạng lưới văn hóa - văn nghệ gắn với các phong trào thi đua, rèn luyện thể lực cho các đơn vị cơ sở từ làng, thôn, bản, xóm, đường phố, tổ dân phố.
Cùng với đó, sự nghiệp giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ của Thủ đô Hà Nội không ngừng phát triển theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI và quy định của Luật Thủ đô. Qua các thời kỳ lịch sử, kinh thành Thăng Long xưa và Thủ đô Hà Nội ngày nay luôn là nơi tụ hội những “hiền tài là nguyên khí của quốc gia”. Thủ đô Hà Nội là trung tâm lớn của đất nước trong việc “trồng người” và tiếp cận với những tri thức khoa học tiên tiến của nhân loại. Đến nay, có 1.372 trường đạt chuẩn quốc gia, hoàn thành sớm 2 năm chỉ tiêu Đại hội lần thứ XVI của Đảng bộ thành phố Hà Nội về tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia, dự kiến hết năm 2020 đạt 70%. Thành phố Hà Nội đi đầu trong phổ cập giáo dục mầm non, phổ cập giáo dục trung học phổ thông; là đơn vị đầu tiên triển khai hệ thống tuyển sinh đầu cấp trực tuyến, hệ thống sổ điểm, sổ liên lạc điện tử tại các trường học. Công tác giáo dục nghề nghiệp tiếp tục được duy trì, phát triển. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 53,14% năm 2015 lên 67,5% năm 2019. Chất lượng đào tạo được nâng lên, tỷ lệ giải quyết việc làm sau đào tạo đạt trên 70%. Thành phố Hà Nội là địa phương đạt số lượng, chất lượng dẫn đầu trong các kỳ thi học sinh giỏi, hội thi tay nghề cấp quốc gia và quốc tế.
Các phong trào thi đua yêu nước luôn được duy trì và đi vào nền nếp, như “Người tốt, việc tốt”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; tổ chức xét chọn và vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú”; thực hiện “Năm kỷ cương hành chính”, “Năm trật tự về văn minh đô thị”... đã thực sự phát huy hiệu quả, tác động sâu rộng đến từng con người, gia đình, cơ quan, đơn vị. Nét đẹp văn hóa của người Hà Nội thanh lịch, văn minh, truyền thống trong gia đình, họ tộc và cộng đồng dân cư được kế thừa, phát huy. Thực hiện Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 31-CT/TU, ngày 3/4/2020, của Ban Thường vụ Thành ủy, về “Thực hiện lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thủ đô”, đã có hàng trăm, hàng nghìn tấm lòng thơm thảo, nhân ái, nhiều hoạt động, việc làm chan chứa nghĩa tình, yêu thương với tinh thần “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng”, được các nhà hảo tâm, doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân ở thành phố Hà Nội cùng chung tay ủng hộ bằng cả vật chất, tinh thần, tiền bạc, trí tuệ... Tính đến ngày 24/4/2020, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đã nhận được sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân cho công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 là hơn 139 tỷ đồng để hỗ trợ những nhóm người yếu thế, dân nghèo, người cơ nhỡ dễ bị tổn thương trong xã hội vượt qua “cơn bão” dịch, cùng đất nước tích cực phòng, chống đẩy lùi dịch bệnh COVID-19. Đó là nét đẹp vô cùng quý báu đầy tình nghĩa của người dân Thủ đô Hà Nội.
Thành phố Hà Nội đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nhất là giảm thiểu các thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, doanh nghiệp. Đầu năm 2017, thành phố Hà Nội đã ban hành “Bộ quy tắc ứng xử đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội” và “Bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng”, đồng thời đưa vào giảng dạy bộ tài liệu giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Thủ đô Hà Nội. Nhờ đó, đến hết năm 2019, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng 15 bậc so với năm 2015, vươn lên đứng thứ 9/63 tỉnh, thành phố. Thành phố Hà Nội là địa phương đứng đầu toàn quốc về số lượng hồ sơ giao dịch qua mạng phục vụ người dân và doanh nghiệp; là địa phương duy nhất cung cấp dịch vụ công mức độ 3 trong lĩnh vực tư pháp đồng bộ tới 100% xã, phường, thị trấn; đứng đầu cả nước về Chỉ số phát triển con người (HDI).
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng giàu đẹp, nhân dân có đời sống cao về vật chất và tinh thần
Bác Hồ đã dạy: “Làm thế nào cho đời sống của dân ta, vật chất được đầy đủ hơn, tinh thần được vui mạnh hơn. Đó là mục đích đời sống mới”(10). Tháng 11/1959, Người đã trực tiếp xem xét, cho ý kiến về Quy hoạch cải tạo, mở rộng thành phố Hà Nội (tháng 9/1959) và căn dặn: Trong thiết kế phải đồng bộ đường sá, hệ thống thoát nước, lưới điện... tránh cản trở sự đi lại của nhân dân; phải có quy hoạch trước, tránh làm rồi lại phá đi. Trong thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều văn bản chỉ đạo cùng các chủ trương, chính sách về Thủ đô Hà Nội. Gần đây nhất, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 6/1/2012, của Bộ Chính trị, “Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011 - 2020”, trong đó chỉ rõ: Trong 10 năm tới, trên cơ sở vận dụng sáng tạo Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 gắn với thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ thành phố Hà Nội, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, phát huy sức mạnh tổng hợp cả về vật chất, tinh thần trong cả nước để xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội xứng đáng với vai trò là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng với cả nước; có kinh tế - xã hội phát triển toàn diện, bền vững, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh tiếp tục được củng cố, tăng cường, hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh. Nêu cao tinh thần “Đảng bộ Hà Nội phải làm gương mẫu cho các đảng bộ khác”(11), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội luôn chủ động, sáng tạo, tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng giàu đẹp, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ thăm và làm việc tại
Khu công nghệ cao Hòa Lạc, ngày 10/7/2020. Nguồn: TTXVN
Sau gần 35 năm đổi mới, thành phố Hà Nội đã xác định đúng hướng, nỗ lực không ngừng để xây dựng, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và đạt được những thành tựu quan trọng. Thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12, ngày 29/5/2008, của Quốc hội khóa XII, “Về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan” đến nay, thành phố Hà Nội đã đạt được những thành tựu quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng lên, cụ thể là:
1- Kinh tế của thành phố Hà Nội tiếp tục tăng trưởng nhanh theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, đưa kinh tế phát triển năm sau luôn cao hơn năm trước, nhiệm kỳ sau luôn cao hơn nhiệm kỳ trước(12). Tỷ lệ hộ nghèo toàn thành phố Hà Nội giảm từ 8,43% (năm 2008) xuống còn 0,42% (năm 2019) và đến nay, thành phố Hà Nội không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn;
2- Đẩy mạnh và phát triển đồng bộ hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật gắn với phát triển nhà ở; tập trung phát triển nhà ở xã hội cho các đối tượng có thu nhập trung bình, thu nhập thấp. Đến nay, thành phố đã hoàn thành và đang thực hiện 43 dự án nhà ở xã hội với trên 4 triệu mét vuông sàn; diện tích nhà bình quân năm 2018 đạt 25,86 m2/đầu người; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu cho các hộ gia đình, cá nhân trong khu dân cư, cho hộ gia đình, cá nhân sau dồn điền, đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp đạt 99,14%,...;
3- Công tác phòng ngừa, dự báo, khắc phục tình trạng ô nhiễm, chủ động phòng tránh thiên tai, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái được tăng cường; tiếp tục thực hiện di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, một số trường đại học, kho tàng, bến xe ra khỏi trung tâm thành phố...;
4- Đến hết năm 2019, đã có 6 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Quốc Oai, Gia Lâm; có 355/386 xã (chiếm 91,9%) đạt chuẩn nông thôn mới(13). Hệ thống điện lưới quốc gia được phủ khắp các địa bàn, bảo đảm phục vụ nhu cầu điện sản xuất, sinh hoạt của người dân. Tổng nguồn vốn đã huy động đầu tư cho khu vực nông thôn giai đoạn 2008 - 2018 đạt trên 100.000 tỷ đồng. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2019 đạt 51,48 triệu đồng (tăng 10,97 triệu đồng so với năm 2016 là 40,51 triệu đồng);
5- Giáo dục và đào tạo Thủ đô liên tục được đổi mới và không ngừng phát triển, dẫn đầu cả nước về các tiêu chí: Quy mô giáo dục, mạng lưới trường, lớp và chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn, số học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế(14). Hà Nội tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI, triển khai xây dựng cơ sở giáo dục chất lượng cao theo Luật Thủ đô; phê duyệt và tổ chức thực hiện một số quy hoạch chuyên ngành về phát triển hệ thống giáo dục, đào tạo và mạng lưới trường học của thành phố. Công tác xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh, chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục được nâng lên, 100% giáo viên đứng lớp có trình độ đạt chuẩn theo quy định. Hà Nội đi đầu trong phổ cập giáo dục mầm non (100% quận, huyện đã đạt chuẩn phổ cập mầm non 5 tuổi, vượt trước hai năm so với toàn quốc), phổ cập trung học cơ sở đạt 99,36%, phổ cập giáo dục trung học phổ thông đạt 90%; là đơn vị đầu tiên triển khai hệ thống tuyển sinh đầu cấp trực tuyến, hệ thống sổ điểm, sổ liên lạc điện tử tại các trường học;
6- Hệ thống y tế phát triển đồng bộ, 100% phường, xã có trạm y tế; 100% trạm y tế có bác sĩ công tác tại trạm; các bệnh viện tuyến huyện được đầu tư mở rộng, đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân, tiếp tục hình thành cơ sở y tế tuyến chuyên sâu, kỹ thuật cao, đạt trình độ khu vực và quốc tế. Đến cuối năm 2018, thành phố Hà Nội đạt tỷ lệ 26,5 giường bệnh/10.000 dân (dự kiến đến hết năm 2020 đạt tỷ lệ 27,1 giường bệnh và 13,5 bác sĩ trên 10.000 dân); 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế..., thực hiện tốt chính sách đối với người có công và phong trào “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”, ủng hộ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” từ năm 2008 đến năm 2018 được 344.311 triệu đồng, xây dựng, sửa chữa được 6.946 nhà tình nghĩa, tặng 60.893 sổ tiết kiệm tình nghĩa, 100% Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các cơ quan, đơn vị nhận chăm sóc, phụng dưỡng; hoàn thành chương trình hỗ trợ xây, sửa nhà ở cho 4.166 hộ nghèo vào cuối năm 2018. Nhân kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-2019), thành phố Hà Nội và các quận, huyện, thị xã đã tu sửa, nâng cấp, xây mới 365 nhà ở, trị giá 15,8 tỷ đồng và tặng hơn 4.000 sổ tiết kiệm cho người có công,... tỷ lệ thất nghiệp từ 3,18% năm 2009 giảm xuống còn 2,41% năm 2018. Chất lượng cuộc sống của nhân dân miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện và từng bước được nâng cao(15).
Tiếp tục thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh để xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội trong thời gian tới
Đảng bộ và nhân dân Hà Nội cùng đồng lòng chung sức xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại (Trong ảnh: Một góc Thủ đô Hà Nội). Ảnh: Tư liệu
Để tiếp tục thực hiện tư tưởng và những lời dạy quý báu của Bác Hồ, trong những năm tới, thành phố Hà Nội tập trung xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội xứng đáng với vai trò là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước; có kinh tế - xã hội phát triển toàn diện, bền vững, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao; chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh tiếp tục được củng cố, tăng cường; hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh; đóng góp ngày càng quan trọng vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong quá trình xây dựng và phát triển, thành phố Hà Nội luôn coi con người là trung tâm của sự phát triển, là động lực, đồng thời cũng là mục tiêu phấn đấu; thời gian tới, thành phố Hà Nội cần làm tốt những nội dung quan trọng với một số định hướng lớn:
Một là, xây dựng Thủ đô Hà Nội phát triển về kinh tế. Đây là tiêu chí quan trọng, tiên quyết có ý nghĩa quyết định để xây dựng một Thủ đô Hà Nội giàu đẹp, văn minh. Đặc biệt là, đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức gắn với mô hình tăng trưởng mới, bảo đảm mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, tiếp tục thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước cho phù hợp với thể chế của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực kinh tế - xã hội.
Hai là, quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị hợp lý - tiêu chí của một đô thị văn minh, hiện đại. Đây là yêu cầu có tính khách quan trong xây dựng và quản lý đô thị, nhất là đô thị hiện đại ngày nay. Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch của Thủ đô Hà Nội; tập trung đầu tư, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại, thân thiện với môi trường, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị, nhất là hạ tầng kỹ thuật khung; tăng cường công tác quản lý đô thị, đặc biệt là trật tự xây dựng, an toàn giao thông, kỷ cương và văn minh đô thị.
Ba là, xây dựng nông thôn mới, chăm lo đời sống của người nông dân. Đây là một yêu cầu quan trọng đối với Thủ đô Hà Nội trong điều kiện đang đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội có đặc thù riêng so với các địa phương, tỉnh, thành phố khác trong cả nước. Đó là xây dựng nông thôn mới theo hướng quy hoạch đô thị với những tiêu chí phấn đấu cao hơn, thuận lợi trong tiếp cận với các dịch vụ công về văn hóa, giáo dục, y tế, môi trường sống...
Bốn là, phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Tập trung gìn giữ, phát huy văn hóa Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh với những giá trị nhân văn sâu sắc; để văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực quan trọng của thành phố Hà Nội, cũng như của cả nước. Huy động mọi tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực và đẩy mạnh xã hội hóa để phát triển sự nghiệp văn hóa, giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ của Hà Nội thực sự trở thành trung tâm lớn, đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô Hà Nội, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của vùng và cả nước. Thực hiện tốt các chính sách xã hội, chính sách đối với người có công, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân Thủ đô, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo giữa thành thị và nông thôn.
Năm là, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh; mở rộng quan hệ đối ngoại, hội nhập, hợp tác phát triển, nâng cao vị thế của Thủ đô Hà Nội. Trước tình hình mới, nhiệm vụ hàng đầu của thành phố Hà Nội là tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo đảm an toàn tuyệt đối các cơ quan đầu não của Đảng và Nhà nước, các hoạt động đối ngoại quốc gia, các sự kiện chính trị lớn diễn ra trên địa bàn. Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác, liên kết và giao lưu với các địa phương trong Vùng Thủ đô, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng đồng bằng sông Hồng và các địa phương trong cả nước, trong khu vực và quốc tế trên các lĩnh vực trọng điểm, nhằm huy động các nguồn lực vật chất, tinh thần và trí tuệ tạo ra những hiệu quả kinh tế, văn hóa, xã hội chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển mới để quảng bá hình ảnh của Thủ đô Hà Nội đến với cộng đồng thế giới.
Sáu là, nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội và các đoàn thể chính trị - xã hội, phát huy quyền làm chủ của nhân dân Thủ đô để thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng con người Thủ đô trong điều kiện hiện nay. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp theo hướng bám sát thực tiễn, hướng mạnh về cơ sở, phát huy vai trò, trách nhiệm của đoàn viên, hội viên, phù hợp yêu cầu, nhiệm vụ của từng tổ chức, từng đối tượng vận động, từng giai đoạn cụ thể, bảo đảm lợi ích thiết thực giữa cá nhân, cộng đồng và xã hội.
Bảy là, tiếp tục tạo chuyển biến mạnh về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, khóa XII; nâng cao vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý; xây dựng hệ thống chính trị các cấp thực sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển của thành phố Hà Nội. Đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đây là yêu cầu quan trọng cả trước mắt và lâu dài đối với hoạt động quản lý và xây dựng nếp sống của con người Thủ đô thanh lịch, văn minh.
Bước sang một kỷ nguyên mới, tư tưởng và những lời dạy quý báu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho Thủ đô Hà Nội đã và đang là ngọn đuốc soi đường, kim chỉ nam cho sự nghiệp cách mạng, là định hướng cơ bản, quan trọng để Đảng bộ, chính quyền, toàn dân và toàn quân tiếp tục xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng hạnh phúc và phồn vinh./.
Nguồn tin: hochiminh.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn