Đóng cửa sổ tư vấn [X]
Trang tin điện tử Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Nam

Cô giáo trẻ hy sinh cả tuổi xuân để mang con chữ đến học trò vùng cao

Thứ ba - 14/06/2022 13:52

Cô giáo trẻ hy sinh cả tuổi xuân để mang con chữ đến học trò vùng cao

Trong 7 năm cắm bản ở vùng cao Quảng Nam, cô giáo trẻ Trà Thị Thu vừa mang con chữ đến trẻ em đồng bào dân tộc, vừa là cầu nối mang niềm vui đến với bà con nơi đây.

Tấm lòng của cô giáo trẻ với học sinh nơi "cổng trời"

Gọi điểm trường Tắk Pổ thuộc Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) là "cổng trời" cũng xứng đáng vì những ngày đầu cô nhận dạy ở điểm trường này, vừa đi xe máy vừa đi bộ cũng phải mất 3-4 giờ đồng hồ mới đến nơi.

Đó là vào mùa nắng ráo, đường sá thuận lợi để đi. Vào mùa mưa, đường đến điểm trường Tắk Pổ vô cùng khó khăn. Miền núi như huyện Nam Trà My thì mưa triền miên. Có khi mưa cả tháng không ngớt.

Cô giáo trẻ hy sinh cả tuổi xuân để mang con chữ đến học trò vùng cao - 1

Cô Trà Thị Thu được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam tặng Bằng khen về "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" (Ảnh: C.B).

Đây là một trong những điểm trường xa nhất, khó khăn nhất của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập, xã Trà Tập, huyện Nam Trà My.

Năm 2015, cô Trà Thị Thu (SN 1994, quê ở huyện Thăng Bình, Quảng Nam) nhận dạy ở điểm trường này. Cô chia sẻ: "Với trách nhiệm là một giáo viên cắm bản, tôi luôn tâm niệm lời dạy của Bác: "Làm việc gì cũng phải có cái tâm và yêu nghề thì chúng ta mới thành công được".

Xã Trà Tập, huyện Nam Trà My là địa phương có địa hình núi cao, vực sâu, giao thông đi lại cách trở, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 97%, đời sống của nhân dân còn rất nhiều khó khăn… Cô Thu cho hay hành trình đem con chữ đến với các em học sinh nơi đây hết sức gian nan và vất vả.

Cô giáo trẻ hy sinh cả tuổi xuân để mang con chữ đến học trò vùng cao - 2
Cô giáo trẻ hy sinh cả tuổi xuân để mang con chữ đến học trò vùng cao - 3

Điểm trường Tắk Pổ khai giảng năm học 2019-2020 gây "bão mạng" với những hình ảnh rất ấn tượng do cô Thu làm "đạo diễn" (Ảnh: NVCC).

Với trách nhiệm của một giáo viên cắm bản, cô Thu nhận thức được rằng dạy học không chỉ là truyền đạt kiến thức cho học sinh mà còn phải dạy bằng cả trái tim, bằng cả tấm lòng.

Chính vì điều đó, cô không ngừng trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn bằng cách học hỏi sách báo, thông tin đại chúng, học hỏi kinh nghiệm của đồng nghiệp thông qua dự giờ, trao đổi chuyên môn và học ở bà con dân làng.

Vừa gieo chữ vừa giúp đỡ đồng bào bớt khó khăn

Hàng ngày tiếp xúc trao đổi với bà con cũng như các em học sinh nơi đây, cô Thu nhận thấy điều kiện sinh hoạt ăn, ở của bà con cũng như học sinh thật sự khó khăn. Xuất phát từ đó, cô tự suy nghĩ mình phải làm gì để giúp đỡ cho bà con, tạo động lực để mọi người vươn lên trong cuộc sống.

Cô giáo trẻ hy sinh cả tuổi xuân để mang con chữ đến học trò vùng cao - 4

Cô Trà Thị Thu gieo chữ ở điểm trường Tắk Pổ (Ảnh: NVCC).

Từ suy nghĩ đến hành động, ngoài công tác chuyên môn, giảng dạy, tranh thủ những lúc rảnh rỗi, cô vào kết nối mạng xã hội với các mạnh thường quân kêu gọi sự đóng góp hỗ trợ vật chất để giúp đỡ các em với những việc làm hết sức nhỏ bé nhưng đã đem lại hiệu quả hết sức thiết thực.

Những việc làm cụ thể của cô như kêu gọi "Bầu sữa yêu thương", Dinh dưỡng cho học sinh; phối hợp với phụ huynh nấu cơm cho các em ăn ở lại tại điểm trường thôn. Nhờ những bữa ăn yêu thương đầy đủ chất dinh dưỡng, nhiều em nhỏ ở nóc Tắk Pổ từng ngày cải thiện được thể trạng.

Nhiều phụ huynh thấy được sự tận tụy và tình yêu thương giữa cô và trò, họ đã động viên, đưa con em mình đến lớp học đông đủ hơn.

Cô giáo trẻ hy sinh cả tuổi xuân để mang con chữ đến học trò vùng cao - 5

Từ nguồn kinh phí vận động, cô Thu cải thiện bữa ăn cho các em học sinh ở điểm trường Tắk Pổ (Ảnh: NVCC).

Trong 7 năm cắm bản ở Tắk Pổ, cô Thu đã vận động và trao hơn 5.000 phần quà đến học sinh và bà con. Vận động mua sắm trang bị thiết bị dạy học như ti vi, bàn ghế, trang thiết bị đồ chơi, máy tính, máy in… cho học sinh và thầy cô giáo trị giá trên 2,5 tỷ đồng.

Ngoài ra, cô còn kêu gọi sự hỗ trợ tạo sinh kế cho bà con như con vật nuôi như gà, heo, các loại cây ăn quả, dụng cụ lao động. Hỗ trợ 70 trường hợp học sinh và nhân dân có hoàn cảnh khó khăn đi khám chữa bệnh. Kêu gọi hỗ trợ sửa chữa và làm mới 40 ngôi nhà sau bão lũ, tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng.

Trong lúc xảy ra dịch bệnh Covid-19, cô đã vận động các nhà hảo tâm để kịp thời cung cấp thực phẩm, trang thiết bị y tế phòng chống dịch bệnh Covid-19. Cô cũng đã kêu gọi hơn 700 triệu đồng để hỗ trợ cho bà con huyện Nam Trà My….

Ngoài ra, cô cùng với cán bộ thôn, già làng uy tín huy động hơn 3.000 ngày công của bà con, đoàn thanh niên để vận chuyển trang thiết bị dạy học, vật liệu làm trường, đào đường để các em học sinh đến trường, san lấp mặt bằng ở các điểm trường thôn.

Cô giáo trẻ hy sinh cả tuổi xuân để mang con chữ đến học trò vùng cao - 6

Cô Thu (bên trái) cùng đồng nghiệp hỗ trợ các gia đình khó khăn trong lúc dịch bệnh Covid-19 (Ảnh: NVCC).

Trong 6 năm qua, cô cùng câu lạc bộ "Kết nối yêu thương Nam Trà My" kêu gọi xây dựng 6 điểm trường với 18 phòng học, 12 phòng ở giáo viên, 6 bộ điện năng lượng mặt trời trị giá 1,3 tỷ đồng; kêu gọi kinh phí và đóng góp ngày công vận chuyển vật liệu để làm 30 nhà vệ sinh cho bà con tại làng Tắk Pổ…

Cô Thu chia sẻ: "Những việc làm nhỏ bé nêu trên đã giúp mối quan hệ giữa nhà trường và gia đình phụ huynh học sinh trở nên gắn bó hơn, từ đó phụ huynh tin tưởng, chia sẻ với nhà trường, giúp đỡ giáo viên khi gặp khó khăn".

Quá trình công tác 7 năm ở huyện miền núi, cô giáo trẻ rút ra nhiều bài học: "Phải thực sự yêu thương trẻ, tâm huyết với nghề; kiên trì học hỏi và đúc rút kinh nghiệm, dám nghĩ, dám làm. Đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp để cùng tiến bộ, ứng xử công bằng với mọi người, biết vận động mọi cấp, mọi người ủng hộ phong trào xây dựng trường lớp; góp phần khắc phục những khó khăn thiếu thốn của bà con, cũng như học sinh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số".

Ngày nay, đường lên điểm trường Tắk Pổ đã được "thông xe máy", không còn phải đi bộ như xưa. Trò chuyện với chúng tôi, cô Thu cho rằng với sức lực nhỏ bé của mình, cô làm được gì để mang lại cho học sinh, bà con miền sơn cước này cuộc sống đỡ vất vả hơn là niềm hạnh phúc lớn nhất của cô.

Nguồn tin: Báo dân trí

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Điều hành - Liên kết
 
thu vien so
 
trung bay
qoffice
 
logobantin copy
logokn
images
bhxhso1 iesl
banner 1
banner final 17082022 1
 
 
 
 
 
 
  • Liên kết

mtssssssss
Văn bản

19-QĐ/TĐTN-TCKT

V/v ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Thường trực Tỉnh đoàn Quảng Nam khoá XIX, nhiệm kỳ 2022-2027

Lượt xem:1456 | lượt tải:386

Nghị quyết

Nghị quyết Đại hội

Lượt xem:1568 | lượt tải:616

41/KHLT-BHXH-TĐ

Phối hợp tuyên truyền chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hôi, bảo hiểm y tế trong ĐVTN năm 2021

Lượt xem:1885 | lượt tải:563

1159-CV/TĐTN- BPT

V/v giới thiệu cá nhân tiêu biểu tham gia giải thưởng “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc lần thứ XII năm 2021

Lượt xem:2842 | lượt tải:166

251 -KH/TĐTN-BTG

Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2021

Lượt xem:2268 | lượt tải:629
© Copyright 2008 thuộc về BTV Tỉnh đoàn Quảng Nam
Địa chỉ: 191 Huỳnh Thúc Kháng, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, Điện thoại / Fax: 02353859223
Tin bài cộng tác viên vui lòng gởi về Ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn Quảng Nam
Điện thoại: 02353.812.436 | Email: banbientaptinhdoanquangnam@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây