Chàng trai ấy “hô biến” những ngôi nhà đơn sơ của người dân làng chài thành những homestay độc đáo, thân thiện, đưa văn hóa làng biển, đời sống bình dị chân chất của dân quê mình thành những tua du lịch hút khách. Cách làm du lịch của Rôn khiến dân làng từ bất ngờ đến mến phục.
Đứa trẻ ham chơi trở về
Rôn thú nhận đã bỏ phí một phần tuổi trẻ vì quá ham chơi. Đang học đại học ngành chế tạo máy thì cậu nghỉ giữa chừng. Vào Vũng Tàu làm công nhân 4 năm không để dành được đồng nào vì ngoài mấy tiếng làm việc trên xưởng về chỉ biết ôm lấy điện thoại để chơi game.
Trò chuyện cùng các vị khách đến với Tam Tiến Travel |
Năm 2019 Rôn về quê, xin tiền ba mẹ để góp vốn với các thanh niên khác trong thôn sắm một chiếc tàu để đi đánh bắt gần bờ. “Bám trụ một năm đi biển, mình bắt đầu thấy chợ cá ở quê rất đẹp, rất khác biệt so với các chợ cá nơi khác. Một phiên chợ ngay dưới chân sóng diễn ra từ lúc sáng sớm. Cá mực tươi nhấp nháy vừa từ tàu trút ra, người bán mua xôn xao rất thú vị. Vậy là ý tưởng khởi nghiệp nhen nhóm trong đầu”, Rôn kể.
Từ đấy, sau mỗi chuyến biển, Rôn trích một ít tiền để mua sắm các thiết bị quay chụp. Những tấm hình đẹp của phiên chợ cá, Rôn đăng lên trang facebook cá nhân để mọi người cùng ngắm, thực chất là đang làm cuộc khảo sát để trả lời cho câu hỏi còn hoài nghi trong đầu đó là thật sự chợ cá Tam Tiến đẹp hay vì mình quá yêu mà thiên vị cho quê hương? Và những tấm hình chợ cá, hoạt động đánh bắt, đời sống ngư dân của Rôn nhanh chóng nhận được rất phản hồi tích cực, nhiều nhiếp ảnh gia cũng tìm đến. Năm 2022 những hình ảnh của chợ Cá Tam Tiến đã nằm trong cuốn tạp chí Heritage của Tổng công ty hàng không Việt Nam để giới thiệu cho bạn bè thế giới. Thấy được điều đó Rôn ôm mộng chờ thời điểm để về bên chân sóng khởi nghiệp.
Những ngày đó, người ta thấy anh chàng đen nhẻm suốt ngày đi dọc bãi biển nhặt rác. Đi đâu, gặp ai Rôn cũng nói về câu chuyện chung tay bảo vệ môi trường. Người anh trong xóm tên Võ Hồng Cả vừa xây dựng một căn nhà bằng gỗ rất đẹp nhưng chưa có nhu cầu sử dụng. Rôn bàn với anh làm nơi lưu trú cho khách du lịch. Homestay đầu tiên vừa hoàn thành, đã có rất nhiều người gọi điện đăng ký đến ở. Bước khảo sát ban đầu có kết quả, Rôn nghỉ đi biển và toàn tâm cho ý tưởng khởi nghiệp của mình.
Giữ nét đẹp làng biển giữ chân du khách
Những ngôi nhà cấp bốn bỏ không của người dân trong thôn được chàng trai thuê lại, tự tay chăm chút, sửa sang vườn tược, bày trí thêm những vật dụng xinh xắn trở thành homestay đón khách lưu trú. Chính những chủ nhà cũng bất ngờ khi căn nhà sửa soạn đổi khác, còn du khách thì rất hài lòng khi được ở trong những ngôi nhà nhỏ mộc mạc, gần gũi với thiên nhiên. Những chiếc chai lọ dạt vào bờ biển, Rôn sáng tạo làm đồ trang trí, vừa truyền thông điệp bảo vệ môi trường. Bãi biển, con đường làng được dọn sạch rác, làng chài bừng sáng trong ánh đèn đêm.
Khách tìm đến ngày một đông, thích thú trải nghiệm nét văn hóa của làng biển như đi chợ cá lúc sáng sớm, cùng ngư dân đánh bắt hải sản, chèo SUP trên biển, lặn ngắm rạn san hô hay khám phá vẻ đẹp làng quê. Buổi tối, làng chài sáng bừng ánh điện, bạn trẻ đốt lửa trại, ăn hải sản nướng vừa hít hà mùi gió biển.
Khách đến đông, tua trải nghiệm kín lịch đặt chỗ, Rôn mở rộng mô hình, rủ thanh niên, người dân cùng tham gia, chia sẻ lợi nhuận và chia sẻ trách nhiệm khi cùng làm du lịch. 70 phòng lưu trú (bao gồm cả homestay và lều vải) hiện nay luôn trong tình trạng kín khách. Dịp lễ 30/4 - 1/5 này khách đã đặt phòng, kín chỗ từ cách đây 2 tháng. Với mô hình này, Rôn tạo công ăn việc làm cho khoảng hơn 20 người dân địa phương. Chàng trai 31 tuổi đang bắt tay cùng người dân tiếp tục mở rộng nơi lưu trú cho khách cũng như dày dặn thêm sản phẩm du lịch như kết nối với các làng nghề.
“Mình đã chứng thực được về việc làm du lịch cộng đồng đem lại lợi ích kinh tế, nhưng quan trọng hơn là hướng dẫn cho người dân cách làm du lịch chuyên nghiệp và bền vững. Mọi người hiểu và trân trọng nguồn tài nguyên ở chính nơi mình đang sinh sống và cùng chung tay bảo vệ. Điều mình hướng đến là du lịch cộng đồng thực thụ, trong đó phải giữ được bản sắc văn hoá, đời sống dung dị làng biển, và cộng đồng cùng có lợi và cùng chia sẻ trách nhiệm bảo vệ tài nguyên”, Rôn chia sẻ.
Ông Nguyễn Xuân Luận – Chủ tịch UBND xã Tam Tiến cho biết, mô hình du lịch cộng đồng đầu tiên của địa phương mà Võ Hồng Rôn khởi xướng đã đem lại hiệu quả tích cực. Rôn đã khéo léo vận dụng và phát huy được giá trị văn hóa địa phương, lợi thế về điều kiện tự nhiên, tận dụng những ngôi nhà của người dân chăm chút lại để thành homestay lưu trú. Du khách đến đây thích thú trải nghiệm, thưởng thức đặc sản đặc trưng của Tam Tiến, còn người dân cũng được hưởng lợi, môi trường được bảo vệ xanh, sạch.
“Việc vận động người dân ở khu vực liền kề cùng phát triển, bảo vệ cảnh quan môi trường như vệ sinh khu bãi cá, thu gom rác thải, làm cho cảnh quan môi trường đẹp hơn. Đây là mô hình tích cực, tuy đầu tư tài chính không lớn nhưng mang lại hiêu quả thu hút được người dân cùng tham gia để phát triển, mang lại lợi ích tích cực cho địa phương”, ông Luận nói.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn