Cùng với căn cứ Cấm Dơi, còn có các cứ điểm Hòn Chiêng, Bằng Thùng, đồi 579, đồi 700, Động Mông, Đá Hàm, Đá Tịnh, Hòn Giang tạo thành một bức tường phòng ngự khá vững chắc. Với số quân đông đảo được trang bị bằng vũ khí hiện đại, căn cứ Cấm Dơi án ngữ ngay trên con đường từ phía Hiệp Đức và tây Quế Sơn đi xuống đồng bằng, là vị trí phòng ngự quan trọng của địch ở tây nam Đà Nẵng. Do tính chất quan trọng đó mà địch quyết giữ Cấm Dơi bằng mọi giá. Đối với ta, tiêu diệt được căn cứ Cấm Dơi sẽ làm thay đổi căn bản cục diện chiến trường, tạo thuận lợi để tiến lên giành những thắng lợi mới. Vì thế, Bộ tư lệnh Quân khu V quyết định bằng mọi cách phải tiêu diệt cụm cứ điểm này, tạo hành lang thông suốt, mở rộng vùng giải phóng về phía đông và phía bắc.
Sáng ngày 17/8/1972, quân ta chủ động tấn công bất ngờ vào căn cứ Cấm Dơi và chi khu Quế Sơn, sau 2 ngày tiến công ta đã tiêu diệt hoàn toàn cụm cứ điểm này vào lúc 15h30, ngày 19/8/1972; ta cũng đã tiến công và buộc địch rút chạy khỏi các đồn chốt xung quanh, cũng như nổi dậy phá tan nhiều khu đồn, ấp chiến lược. Kết quả ta đã tiêu diệt và bắt sống trên 300 tên địch, thu 25 khẩu pháo, hàng nghìn súng các loại, hàng trăm tấn đạn dược, thu và phá hủy 60 xe bọc thép quân sự, bắn rơi 9 máy bay các loại.
Chiến thắng Cấm Dơi đã cổ vũ mạnh mẽ và đã trở thành sức mạnh tinh thần to lớn để quân và dân ta tiếp tục tiến công đánh địch trên khắp chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng. Tại khu vực di tích xây dựng một tượng đài chiến thắng bằng vật liệu xi măng cốt thép bên trong, bên cạnh là bức phù điêu đắp bằng xi măng có nội dung phản ánh quá trình đấu tranh, chiến đấu chống đế quốc Mỹ và chính quyền Ngụy của quân và dân huyện Quế Sơn.