Trần Quý Cáp tên thật là Trần Nghị. Ông sinh năm 1870 tại thôn Thái La, làng Bất Nhị, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay là xã Điện Phước, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), xuất thân trong một gia đình nông dân, được thân phụ chú tâm dạy dỗ, nên từ thuở nhỏ ông là người có ý chí ham học và thông minh.
Năm 16 tuổi (1885), ông là một nho sinh đi khắp vùng diễn giải “Hịch Văn Thân” của Nghĩa hội Quảng Nam cho nhiều người hiểu và làm theo. Năm 1897, ông dự thi Hương và đỗ tú tài nhưng không đậu cử nhân trong khoa thi Hội năm 1898. Năm 1989, thân phụ mất, ông ở nhà cư tang, phụng dưỡng mẹ già và dạy học. Năm 1904 ông được đặc ân của triều đình Huế, đặc cách cho dự thi Đình và đỗ Hoàng giáp Tiến sĩ. Năm 1906, ông được bổ làm Chức Giáo thụ tại phủ Thăng Bình - Quảng Nam. Từ năm 1904 đến năm 1908 tuy thời gian ngắn ngủi nhưng ông đã đóng góp nhiều cho cách mạng Việt Nam, từ việc mở mang tân học đến việc gây dựng một số nhân tài mới chờ thời cơ giúp nước. Ý tưởng của ông ngay từ khi làm Giáo thụ, ông ngấm ngầm truyền bá cho nhân dân chống khoa cử lỗi thời, bài trừ hủ tục, và chấn hưng kinh tế, việc làm đó được nhân dân tin tưởng và nghe theo, uy tín của ông ngày càng lớn. Đầu năm 1908, do những hoạt động dân chủ yêu nước của mình, ông bị chính quyền thực dân thuyên chuyển vào phủ Ninh Hòa, ngày 15/6/1908 tại phủ Ninh Hòa, Trần Quí Cáp bị thực dân Pháp kết tội mưu phản đại nghịch và xử trảm.
Mộ phần của ông được gia tộc tôn tạo khá khang trang, nằm trên một mảnh đất có diện tích khoảng hơn 100m2, tại xã Điện Tiến, huyện Điện Bàn và đã được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia theo quyết định số 16/200/QĐ-BVHTT ngày 21/8/2000 của Bộ Văn hóa, Thông tin.