Cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được diễn ra từ ngày 4/9 đến ngày 7/9/1954 - là cuộc đấu tranh chính trị thể hiện tinh thần yêu chuộng hoà bình và công lý của nhân dân Thăng Bình nói riêng, Quảng Nam nói chung chống lại bọn Mỹ - Diệm ngang ngược, tàn bạo, âm mưu vi phạm Hiệp định Giơ-ne-vơ nhằm chia cắt lâu dài đất nước ta. Khởi đầu cuộc đấu tranh diễn ra tại cầu Bàu Bàng chỉ có mấy chục người tham gia nhưng sau đó đã nhanh chóng đẩy lên thành cao trào với hàng ngàn người tham gia đấu tranh tại Chợ Được. Cuộc đấu tranh này đã làm 43 người chết và 23 người bị thương.
Tuy nhiên cuộc đấu tranh đã thể hiện tinh thần yêu nước cao cả, ý chí quật cường, không ngại hy sinh của nhân dân, kiên quyết đấu tranh đòi bọn địch phải tuân thủ thực hiện Hiệp định Giơ-ne-vơ; quyết bảo vệ được nền độc lập, tự do và dân chủ của đất nước…; buộc địch phải chùn bước, phải chấp nhận các yêu sách của Nhân dân đặt ra.
Để ghi lại tội ác của Mỹ-Diệm và tưởng nhớ đến những người đã ngã xuống, đài tưởng niệm có diện tích 8.988m2, có tường rào cổng ngõ bao quanh khá kiên cố, tọa lạc tại thôn 3, xã Bình Triều, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Phần tượng đài được xây dựng hình khối cao khoảng 5m, thể hiện ba người đứng tựa lưng vào nhau, bao gồm: một cụ già cầm chắc cây gậy trên tay, một cô gái đang cầm nón lá và một thanh niên đang bồng một em bé bất động trên tay. Phía sau tượng đài là hai bức phù điêu bằng xi măng đắp nổi, mô tả quá trình đấu tranh của nhân dân Hà Lam - Chợ Được trong cuộc đấu tranh ngày 04 tháng 9 năm 1954. Giữa hai bức phù điêu là bệ thờ, phía trong bệ thờ có dòng chữ “Tổ quốc ghi công”.
Di tích lịch sử “Cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được” được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận theo quyết định số 4267/QĐ-UBND, ngày 21/11/2005.