Đồng chí Đinh Văn Phu, Bí thư Đoàn xã Trà Vân (H.Nam Trà My), cho biết hiện nay cơ sở hạ tầng giao thông trên địa bàn xã còn rất nhiều khó khăn, nhiều tuyến đường chưa được bê tông hóa, thảm nhựa. Đặc biệt, một số bản làng nằm sâu trong rừng thường bị chia cắt, cô lập vào mùa mưa vì không có cầu, trong đó có làng Ông Cường (thôn 1). Chính vì vậy, nhằm giúp bà con thuận tiện lưu thông trong mọi thời tiết, địa phương đã đầu tư xây dựng một cây cầu treo dân sinh dẫn vào làng này.
Tuy nhiên, do đường từ nơi tập kết vật liệu về làng là đường đất, nhỏ, có nhiều đoạn dốc, xe chở vật liệu không thể vào tận nơi thi công nên hầu hết các vật liệu như sắt, thép, xi măng, cát, sỏi… đều do các bạn đoàn viên, thanh niên và người dân vận chuyển vào làng. "Biệt đội" gùi cõng không chỉ có thanh niên, đàn ông mà còn có cả những phụ nữ chân yếu, tay mềm. Họ trở thành những "người vận chuyển" giữa rừng.
"Những ngày qua, không kể mưa hay nắng, mọi người thay phiên hỗ trợ nhau gùi cõng vật liệu băng rừng, lội suối, vượt qua những con đường đất nhỏ, đèo dốc để thi công cầu treo dân sinh tại làng Ông Cường. Công việc vận chuyển dù vất vả nhưng tất cả đều động viên nhau nỗ lực để cầu sớm hoàn thiện, giúp bà con yên tâm đi lại, không còn chịu cảnh bị cô lập khi mùa mưa đến", đồng chí Phu nói.
Tham gia "biệt đội" gùi cõng vật liệu xây dựng, Hồ Văn Nhất (Xã đoàn Trà Vân) cho biết để vận chuyển vật liệu vào làng phải di chuyển quãng đường khá dài với những con dốc dựng đứng, băng qua nhiều suối… Dù khó khăn nhưng mọi người vẫn dùng nụ cười để động viên lẫn nhau.
"Là một người trẻ, khi gặp khó khăn thì phải xung kích đi đầu. Tôi hy vọng sẽ đóng góp một phần sức lực của mình giúp đơn vị thi công sớm hoàn thiện cầu treo để bà con yên tâm đi lại. Phải phá được thế cô lập thì con em ở những bản làng xa mới có cơ hội tìm đến con chữ…", Nhất tâm sự.
Đầu tháng 7, UBND xã Trà Cang (H.Nam Trà My) cũng đã tổ chức lễ khởi công xây dựng công trình cầu treo Nước Na (thôn 1, xã Trà Cang) nằm trên sông Nước Na đoạn qua xã Trà Cang tiếp giáp với xã Trà Nam. Cầu có chiều dài 80 m kể cả đường dẫn, kết cấu thép, trụ bê tông, mặt đáy cầu rộng 1 m, được trải thép chống trượt. Để đảm bảo đúng tiến độ, những ngày qua hàng trăm đoàn viên, thanh niên không ngại thời tiết nắng nóng, vượt qua con đường dốc, suối để vận chuyển vật liệu hỗ trợ đơn vị thi công.
Đồng chí Ngô Tấn Lạc, Chủ tịch UBND xã Trà Cang, cho biết hiện nay hạ tầng giao thông trên địa bàn xã còn nhiều khó khăn, nhiều điểm dân cư vẫn đang bị cô lập vào mùa mưa do thiếu cầu bắc qua các suối. Cầu treo Nước Na là một công trình hết sức ý nghĩa, sau khi hoàn thành sẽ là công trình giao thông quan trọng phục vụ cho hàng trăm hộ dân tại 5 nóc của thôn 1 (xã Trà Cang). Dự kiến công trình sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng ngày 1.8.2023.
"Từ đầu năm đến nay toàn xã đã xây dựng được 4 cầu treo dân sinh với trị giá hàng trăm triệu đồng. Để có được những công trình ý nghĩa này, phần lớn nhờ vào sự đóng góp công sức của các bạn đoàn viên, thanh niên và người dân. Những công trình này khi đưa vào sử dụng không chỉ giúp rút ngắn thời gian di chuyển mà còn đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của hàng
Đồng chí Phạm Thị Mỹ Hạnh, Bí thư Huyện đoàn Nam Trà My, cho biết đối với địa phương miền núi như ở đây, nhu cầu lớn nhất của bà con là cầu treo dân sinh và đường bê tông nông thôn. Chính vì vậy, sau lễ phát động Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè 2023, phần việc ưu tiên thực hiện là xây dựng cầu treo và đường bê tông. "Ngoài việc vận chuyển vật liệu từ đường chính vào, các bạn đoàn viên, thanh niên còn kiêm luôn thợ xây dựng tại công trình cầu treo dân sinh tại làng Ông Cường. Các phần việc thu hút đông đảo các bạn đoàn viên, thanh niên tham gia, hưởng ứng nhiệt tình nên hầu hết các công trình đều hoàn thành theo đúng tiến độ đề ra", chị Hạnh nói.
Đồng chí Trần Văn Mẫn, Phó chủ tịch UBND H.Nam Trà My, cho hay những năm gần đây, cùng với sự đầu tư của huyện, sự giúp đỡ của các đơn vị, nhiều công trình cầu treo dân sinh, bê tông hóa đường giao thông trên địa bàn các xã đã được triển khai xây dựng và đưa vào sử dụng. Các công trình này đã giải quyết nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa của bà con ở các khu vực bị chia cắt bởi các nhánh sông, suối…
"Hiện nay bộ mặt giao thông ở một số bản làng trên địa bàn đã thay đổi rõ rệt nhờ nhiều tuyến đường được bê tông hóa, những cây cầu treo được dựng lên. Những công trình này đã tạo nên luồng gió mới làm thay đổi cuộc sống của bà con, góp phần phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, giao thương với bên ngoài", đồng chí Trần Văn Mẫn nhìn nhận.
MẠNH CƯỜNG
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn