Đóng cửa sổ tư vấn [X]
Trang tin điện tử Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Nam

Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật

Thứ năm - 28/05/2020 16:31

Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật

(HCM.VN) - Nhân dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020), Trang thông tin điện tử Hồ Chí Minh trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Lê Vĩnh Tân, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ với tựa đề: "TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT - NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG, HOÀN THIỆN NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT VIỆT NAM DƯỚI SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG".

 

(Ảnh tư liệu: tuyengiao.vn)

1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật

Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật là một bộ phận cấu thành của tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng giải phóng dân tộc, cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, với những nội dung nổi bật là: Xây dựng pháp luật để thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân; ban hành pháp luật để tổ chức bộ máy nhà nước, thực hiện một nhà nước pháp quyền; ban bố pháp luật để công bố các quyền tự do, dân chủ của nhân dân; nghiêm trị bằng pháp luật các tội phạm và vi phạm pháp luật; pháp luật phục vụ cho công cuộc kháng chiến và kiến quốc. Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật được hình thành và phát triển gắn liền với các dấu mốc lịch sử trong cuộc đời hoạt động cách mạng gần sáu mươi năm liên tục của Người (từ năm 1911 đến năm 1969), bao gồm:

Giai đoạn từ tuổi thiếu niên đến trước ngày ra đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc: Từ lòng yêu nước truyền thống và được tiếp xúc với tư tưởng “tự do, bình đẳng, bác ái” của Cách mạng tư sản Pháp, ngày 05/6/1911, Nguyễn Tất Thành đã quyết định đi sang phương Tây để tìm con đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Đây là sự kiện đánh dấu bước đầu hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật.

Trong giai đoạn từ giữa năm 1911 đến năm 1930, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc tập trung nghiên cứu bản chất chế độ nhà nước và pháp luật tư sản; tiếp nhận lý luận Mác - Lênin về nhà nước và pháp luật; đưa ra những phác họa về mô hình nhà nước và pháp luật kiểu mới ở Việt Nam.

Từ việc phê phán mạnh mẽ, toàn diện và sâu sắc chế độ cai trị thuộc địa và chế độ nhà nước, pháp luật tư sản, thể hiện rõ nhất qua các tác phẩm: "Yêu sách của nhân dân An Nam", "Nhời hô hoán cùng Hội Vạn quốc", "Bản án chế độ thực dân Pháp" và "Đường Kách mệnh", Nguyễn Ái Quốc cho rằng phải thiết lập chế độ nhà nước pháp quyền ở Việt Nam; song Việt Nam không thể đi theo con đường cách mạng tư sản, vì đó là những cuộc “cách mệnh không đến nơi”.

Được tiếp xúc và nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin, Nguyễn Ái Quốc khẳng định đây là học thuyết duy nhất đúng đắn để giành độc lập cho dân tộc Việt Nam và xây dựng đất nước. Năm 1920, Người tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp, bỏ phiếu tán thành Quốc tế thứ III. Đó là những sự kiện khẳng định lý luận mác xít về nhà nước và pháp luật trở thành nội dung quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật.

Đầu năm 1930, trong các văn kiện chuẩn bị cho Hội nghị thống nhất các tổ chức cộng sản để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc đã đưa ra những phác thảo đầu tiên về mô hình nhà nước và pháp luật kiểu mới ở Việt Nam. Đây là những dấu ấn cho thấy, tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật đã bao hàm cả tư duy lý luận và tư duy thực tiễn, gắn cách mạng Việt Nam với phong trào cách mạng thế giới.

Giai đoạn từ năm 1931 đến năm 1940: Những phác thảo bước đầu của Nguyễn Ái Quốc về cách mạng Việt Nam đã bị Quốc tế cộng sản phê phán gay gắt và đưa ra chủ trương thay thế; song Nguyễn Ái Quốc vẫn kiên định lập trường và tư tưởng của mình. Người đã có những bài viết phê phán những quan điểm phiến diện về cách mạng Việt Nam. Thực tiễn cách mạng Việt Nam từ năm 1931 đến năm 1939 đã chứng minh tính đúng đắn của tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường cách mạng Việt Nam; và sau này được chính những người tham gia Quốc tế Cộng sản thừa nhận (1). Như vậy, chính thực tiễn cách mạng Việt Nam đã kiểm nghiệm, xác thực tính đúng đắn, phù hợp của tư tưởng Hồ Chí Minh và bản lĩnh chính trị của Người.

Giai đoạn từ năm 1941 đến trước Cách mạng Tháng Tám 1945: Đây là giai đoạn Nguyễn Ái Quốc triển khai thực hiện những hình thức tiền thân của nhà nước và pháp luật kiểu mới ở Việt Nam. Mặt trận Việt Minh, các Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh, liên tỉnh và Chương trình Việt Minh chính là những hình thức tiền thân của Nhà nước và pháp luật kiểu mới ở Việt Nam, đánh dấu sự hiện thực hóa và thêm một lần nữa khẳng định tính đúng đắn của mô hình nhà nước và pháp luật Việt Nam mà Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã chuẩn bị ròng rã trong hơn 30 năm hoạt động cách mạng (1911 - 1945).

Giai đoạn từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến năm 1969: Đây là giai đoạn tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật được bổ sung và phát triển gắn cách mạng Việt Nam với phong trào cách mạng thế giới; với sự chỉ đạo trực tiếp của Người trong 21 năm liên tục giữ cương vị người đứng đầu Đảng và Nhà nước Việt Nam. Bản Tuyên ngôn độc lập do Người trực tiếp soạn thảo đã tuyên bố với thế giới việc thành lập chế độ nhà nước và pháp luật dân chủ ở Việt Nam - là văn kiện chính trị, pháp lý thể hiện đậm nét tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật Việt Nam.

Thực hiện quyết tâm xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp ký ban hành các văn bản chỉ đạo xây dựng và ban hành Hiến pháp năm 1946; tổ chức Tổng tuyển cử để bầu ra Quốc hội lập hiến, thông qua Hiến pháp năm 1946 và Luật Lao động, hai đạo luật đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Đây chính là sự thể hiện bước phát triển mới của tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp của Nhà nước, thiết lập một trật tự xã hội mới trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, ngoại giao... Năm 1957, Người ký ban hành các đạo luật quy định về chế độ báo chí; về quyền tự do hội họp, quyền lập hội; quyền tự do thân thể, quyền bất khả xâm phạm đối với nhà ở, đồ vật, thư tín của nhân dân.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Người, Quốc hội đã ban hành Hiến pháp năm 1959 cùng các đạo luật quy định về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước nước Việt Nam dân chủ cộng hòa: Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức Hội đồng Chính phủ, Luật tổ chức Tòa án nhân dân, Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân. Với các đạo luật quan trọng đó, tổ chức và hoạt động của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được thực hiện trên cơ sở Hiến pháp và pháp luật. Trong điều kiện miền Bắc đã hoàn toàn giải phóng, Quốc hội có thể họp đúng định kỳ để tập trung xây dựng pháp luật, từ năm 1960 Chủ tịch Hồ Chí Minh không trực tiếp ký ban hành sắc lệnh, song tư tưởng về nhà nước và pháp luật của Người đã trở thành quan điểm chỉ đạo, phương châm xây dựng, hoàn thiện Nhà nước và pháp luật của Việt Nam dân chủ cộng hòa. Đó là quan điểm về Nhà nước hợp hiến, hợp pháp, của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân; là quan điểm về Quốc hội, cơ quan cao nhất của quyền lực nhà nước với nhiệm vụ cao cả “Phải cố gắng làm cho luật pháp dân chủ ngày càng nhiều hơn, tốt hơn”; là quan điểm về Chính phủ, cơ quan hành chính nhà nước cao nhất với bộ máy trong sạch, liêm khiết để sao cho “Đạo nghĩa là chính sách của Chính phủ đối với dân chúng... Đối  với dân, Chính phủ phải thi hành một nền chính trị liêm khiết”. Đó là quan điểm về tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp “Xét xử đúng là tốt, nhưng nếu không phải xét xử thì tốt hơn”; quan điểm nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước, có quyền kiểm soát quyền lực nhà nước “Nhân dân có quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân nếu những đại biểu ấy tỏ ra không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân. Nguyên tắc ấy bảo đảm quyền kiểm soát của nhân dân đối với đại biểu của mình”. Đó là quan điểm về đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước phải là: “Những người tỏ ra rất trung thành và hăng hái trong công việc, trong đấu tranh; những người liên lạc mật thiết với dân chúng, hiểu biết dân chúng. Luôn luôn chú ý đến lợi ích của dân chúng…; những người có thể phụ trách giải quyết các vấn đề trong những hoàn cảnh khó khăn…; những người luôn luôn giữ đúng kỷ luật”...

Có thể khẳng định rằng, hình thành từ đòi hỏi của lịch sử, khi dân tộc Việt Nam còn trong đêm trường nô lệ; phát triển gắn với thực tiễn hoạt động chính trị - xã hội phong phú trên trường quốc tế đầy biến cố và phức tạp của thế kỷ XX; được bổ sung và hoàn thiện gắn với thực tiễn lãnh đạo cách mạng Việt Nam, tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật là sự lựa chọn đúng đắn và sáng suốt mô hình nhà nước và pháp luật phù hợp với thực tiễn Việt Nam, phản ánh xu thế phát triển phù hợp của những tư tưởng chính trị - pháp lý tiến bộ của nhân loại; là nền tảng tư tưởng chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện nhà nước và pháp luật xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.

2. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật vào xây dựng, hoàn thiện nhà nước và pháp luật Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn khẳng định nghiên cứu, học tập, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là một nhiệm vụ quan trọng của cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân. Nghiên cứu, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh chính là để thực hiện đúng tinh thần Người đã căn dặn: Học để làm người, để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, phụng sự giai cấp và nhân loại.

Tiếp tục nghiên cứu, học tập, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật, trước hết cần hướng vào phục vụ xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Văn kiện các Đại hội ĐBTQ lần thứ IX, X, XI và XII của Đảng đều nhấn mạnh mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, được thể chế hóa trong Hiến pháp năm 2013 và các đạo luật về tổ chức và hoạt động của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân và chính quyền địa phương; về cán bộ, công chức, viên chức nhà nước. Không chỉ là kết quả tích cực về hoàn thiện thể chế; mà hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cả hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước ta được nhân dân cả nước và cộng đồng quốc tế ghi nhận; chính trị ổn định, kinh tế - xã hội phát triển, đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện; vị thế và uy tín của đất nước ta, nhân dân ta và Đảng, Nhà nước ta ngày càng được nâng cao, đúng như nhận định của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”. Ngay cả trong những tình huống bất thường xã hội như đại dịch COVID-19, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng; sự quản lý kịp thời, có hiệu quả của Nhà nước; sự vào cuộc với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận xã hội, Việt Nam đã được thế giới ghi nhận là một trong số ít quốc gia điển hình về hiệu quả kinh tế, chính trị và xã hội trong phòng, chống đại dịch toàn cầu COVID-19.

Thời gian tới, chúng ta cần đẩy mạnh nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật gắn với triển khai các nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; với đánh giá toàn diện, khách quan những khó khăn, thuận lợi trong lý luận và thực tiễn về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước để quán triệt, nhận thức sâu sắc hơn nữa tư tưởng của Người về Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hành đều của dân. Tổ chức và hoạt động của Nhà nước phải vì nhân dân, lấy việc phục vụ nhân dân làm mục tiêu cao nhất của mình. Sức mạnh của Nhà nước phải bắt nguồn từ nhân dân, của khối đại đoàn kết dân tộc, bộ máy nhà nước thực sự gọn nhẹ, trong sạch, vững mạnh, gần dân, sát dân, thể hiện và thực hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân; đảm bảo thực hiện trên thực tế nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.

Cần tập trung hoàn thiện thể chế, chức năng, nhiệm vụ, phương thức và cơ chế vận hành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước trong mối quan hệ tổng thể “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”; trong đó cần hướng vào trọng tâm là hoàn thiện cơ cấu tổ chức, xác định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, đẩy mạnh cải cách nền hành chính nhà nước; gắn kết chặt chẽ cải cách hành chính với cải cách lập pháp và cải cách tư pháp; xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm quản lý nhà nước của mỗi cấp chính quyền địa phương theo quy định của Hiến pháp, pháp luật về tổ chức và hoạt động của Chính phủ và chính quyền địa phương; quan tâm hơn nữa đến công tác tổ chức và cán bộ nhà nước, trước mắt là chuẩn bị thật tốt công tác nhân sự của đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đó cũng là tinh thần và trách nhiệm, sự chuẩn bị tốt của Đảng và Nhà nước về công tác nhân sự để giới thiệu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Đồng thời, để thực hiện có hiệu quả quan điểm chỉ đạo của Đảng về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; trực tiếp là Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 09/02/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới, chúng ta cần nghiên cứu, học tập, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật để “… làm rõ những vấn đề bổ sung, phát triển;… cung cấp cơ sở khoa học cho việc hoạch định đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước…”.

Qua 75 năm xây dựng và phát triển của Nhà nước, đặc biệt là từ đổi mới đến nay, chúng ta đã xây dựng được hệ thống pháp luật tương đối ổn định, đồng bộ, thống nhất, có sự gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện các chỉ đạo, chủ trương của Đảng về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật; về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo nền tảng pháp lý bảo đảm quyền tự do kinh doanh, các quyền về an sinh xã hội của công dân, cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư và phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm quyền, lợi ích của người dân và doanh nghiệp; ngày càng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội...

Chúng ta cũng đã ban hành các văn bản ở tầm chiến lược về cải cách tư pháp, cải cách hành chính; chủ trương tinh gọn bộ máy nhà nước và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, chuyển hướng chiến lược từ ưu tiên cho hoạt động xây dựng pháp luật sang ưu tiên tập trung hoàn thiện pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật theo tinh thần thượng tôn pháp luật.

Trong lĩnh vực tổ chức và cán bộ nhà nước, Nhà nước ta đã chú trọng nghiên cứu, thể chế hóa đầy đủ nguyên tắc phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực nhà nước, phân định phạm vi, trách nhiệm của các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, bảo đảm phù hợp với thực tiễn tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị nước ta; chú trọng cơ chế và điều kiện đảm bảo nâng cao trình độ của cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm vững mạnh cả về số lượng và chất lượng, có phẩm chất chính trị, am hiểu pháp luật và kiến thức xã hội, có thể tham gia làm việc tại các tổ chức khu vực và quốc tế, các thiết chế tài phán quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Tuy nhiên, việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam nhằm tạo lập hệ thống thể chế đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đến nay về cơ bản vẫn chưa đạt mục đích đề ra cả về số lượng và chất lượng. Có lý do từ cơ chế xây dựng, sửa đổi, bổ sung pháp luật chưa thực sự khoa học, đặc biệt cách phân công và thực hiện quy trình soạn thảo dự án pháp luật dẫn đến tình trạng cơ quan chủ trì hướng nhiều vào bảo vệ lợi ích cục bộ của ngành, địa phương, chưa thật sự vì lợi ích chung của nhân dân. Việc đảm bảo sự tham gia ý kiến rộng rãi của các tổ chức và cá nhân, cơ chế thu hút chuyên gia giỏi và phát huy trí tuệ của nhân dân vào hoạt động xây dựng pháp luật còn bất cập, khiến cho nhiều văn bản pháp luật chưa thực sự “bảo vệ quyền lợi cho hàng triệu người lao động”, thậm chí còn thể hiện “tư duy nhiệm kỳ”, “lợi ích nhóm, cục bộ” như Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ tư (khóa XII) đã chỉ ra. Hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật còn nặng về tính phong trào, hiệu quả chưa cao; thiết chế bảo đảm thi hành pháp luật còn thiếu và yếu.

Do đó, chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, tiếp tục vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật để xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam. Trước hết, cần ưu tiên các dự án luật cụ thể hóa trực tiếp các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, bảo đảm cụ thể hóa đầy đủ nội dung phân cấp, phân quyền trong các đạo luật theo tinh thần của Hiến pháp và các nguyên tắc phân cấp, phân quyền đã được quy định tại Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương; tập trung hoàn thiện thể chế về tổ chức và hoạt động của các thiết chế trong hệ thống chính trị; tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; pháp luật về giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế, văn hóa - thông tin, thể thao, dân tộc, tôn giáo, dân số, gia đình, trẻ em và chính sách xã hội; pháp luật về quốc phòng, an ninh; pháp luật về hội nhập quốc tế.

Trong lĩnh vực tổ chức và cán bộ nhà nước, cần thực hiện quyết liệt, nghiêm túc việc sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy nhà nước theo chủ trương, định hướng của Đảng; đẩy nhanh quá trình cụ thể hóa chỉ đạo, định hướng trong các văn bản của Đảng về sắp xếp, tinh gọn bộ máy nhà nước và tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thành các văn bản quy phạm pháp luật để tạo lập cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất cho việc triển khai thực hiện. Tăng cường phân quyền, phân cấp giữa các cơ quan nhà nước ở trung ương và chính quyền địa phương; giảm đầu mối trung gian trong các tổ chức, thực hiện trên phạm vi rộng mô hình tổ chức liên tỉnh, liên huyện; kiểm tra, giám sát việc thực hiện sáp nhập, hợp nhất các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã không đủ tiêu chuẩn điều kiện. Chúng ta cũng cần có những giải pháp đồng bộ để có đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật “… có bản lĩnh chính trị, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có tư duy đổi mới, có khả năng hoạch định đường lối, chính sách và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện”(2) để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật không chỉ là nền tảng tư tưởng chỉ đạo công cuộc xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN và hệ thống pháp luật Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng; mà trong một chừng mực nhất định, tư tưởng đó còn là một phần văn minh pháp lý của nhân loại, thể hiện qua việc Chính phủ các nước Myanmar và Inđônêxia đã trao tặng Người danh hiệu tiến sĩ luật học và được thế giới thừa nhận: “Các dân tộc chối từ con đường đau khổ của chủ nghĩa tư bản, có thể nghiên cứu để tìm thấy trong tư tưởng Hồ Chí Minh một hướng đi thích hợp cho sự lựa chọn của mình”(3).

 

Nguồn tin: hochiminh.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Điều hành - Liên kết
 
thu vien so
 
trung bay
qoffice
 
logobantin copy
logokn
images
bhxhso1 iesl
banner 1
banner final 17082022 1
 
tinh nguyen 1 1024x235
  • Liên kết

mtssssssss
Văn bản

19-QĐ/TĐTN-TCKT

V/v ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Thường trực Tỉnh đoàn Quảng Nam khoá XIX, nhiệm kỳ 2022-2027

Lượt xem:3070 | lượt tải:750

Nghị quyết

Nghị quyết Đại hội

Lượt xem:2209 | lượt tải:746

41/KHLT-BHXH-TĐ

Phối hợp tuyên truyền chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hôi, bảo hiểm y tế trong ĐVTN năm 2021

Lượt xem:2502 | lượt tải:666

1159-CV/TĐTN- BPT

V/v giới thiệu cá nhân tiêu biểu tham gia giải thưởng “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc lần thứ XII năm 2021

Lượt xem:3479 | lượt tải:166

251 -KH/TĐTN-BTG

Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2021

Lượt xem:2868 | lượt tải:781
© Copyright 2008 thuộc về BTV Tỉnh đoàn Quảng Nam
Địa chỉ: 191 Huỳnh Thúc Kháng, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, Điện thoại / Fax: 02353859223
Tin bài cộng tác viên vui lòng gởi về Ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn Quảng Nam
Điện thoại: 02353.812.436 | Email: banbientaptinhdoanquangnam@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây